Hành trình tìm lại cuộc sống sau ca Ghép Tủy của bệnh nhân Ung Thư Bạch Cầu Cấp tại Bệnh viện Raffles Singapore

Ghép tủy là gì?

Ghép tủy xương (ghép tủy) là một quy trình truyền tế bào gốc khỏe mạnh vào cơ thể bệnh nhân để thay thế cho tủy xương bị tổn thương hoặc tủy xương bị bệnh. Ghép tủy cũng được gọi là ghép tế bào gốc.

Ghép tủy có thể là cần thiết nếu tủy xương của bạn ngừng làm việc và không sản xuất đủ các tế bào máu khỏe mạnh. Ghép tủy có thể dùng tế bào từ chính cơ thể của người bệnh (ghép tự thân – autologous transplant) hoặc ghép từ người khác hiến tặng (dị ghép – allogeneic transplant).

2. Bệnh nhân chuẩn bị như thế nào cho ca ghép tủy?

Bệnh nhân sẽ được tiến hành làm một loạt các xét nghiệm và quy trình để đánh giá sức khỏe chung và tình trạng bệnh để đảm bảo bệnh nhân đã được chuẩn bị sẵn sàng cho ca ghép. Việc đánh giá này có thể mất vài ngày.

Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ X-quang sẽ cấy một ống mỏng, dài (còn được gọi là ống thông tĩnh mạch – intravenous catheter) vào một tĩnh mạch lớn ở ngực hoặc ở cổ của bệnh nhân. Ống thông này được gọi là “đường dẫn trung tâm” (central line), thường được giữ nguyên trong suốt thời gian điều trị của người bệnh. Các bác sĩ sẽ sử dụng “đường dẫn trung tâm” này để truyền các tế bào gốc được ghép và các loại thuốc cũng như các sản phẩm máu khác vào cơ thể của người bệnh.

3. Thu thập tế bào gốc cho ca ghép

3.1. Thu thập tế bào gốc trong trường hợp ghép Tự thân

Nếu ca ghép tủy sử dụng tế bào gốc từ chính cơ thể bệnh nhân (Ghép tự thân) thì người bệnh sẽ trải qua một quy trình được gọi là “lọc máu” (apheresis) để thu thập tế bào gốc.

Trước khi “lọc máu”, hàng ngày người bệnh sẽ được tiêm các yếu tố kích thích tăng trưởng sản sinh các tế bào gốc và chuyển các tế bào gốc vào dòng máu lưu thông, như vậy các chuyên gia có thể thu thập tế bào gốc.

Trong quá trình “lọc máu”, máu được rút ra từ tĩnh mạch, sau đó lưu thông qua 1 chiếc máy. Chiếc máy này sẽ phân chia máu thành các thành phần khác nhau, trong đó có loại là tế bào gốc. Những tế bào gốc này được thu thập và giữ đông lạnh phục vụ cho ca ghép trong tương lai. Phần máu còn lại được truyền trả lại cho cơ thể người bệnh.

3.2. Thu thập tế bào gốc trong trường hợp Dị ghép

Nếu ca ghép sử dụng tế bào gốc từ một người khác (Dị ghép), bệnh nhân sẽ cần tìm kiếm người hiến tặng có sự thuận hợp. Khi bệnh nhân tìm được người phù hợp, tế bào gốc sẽ được thu thập từ người hiến tặng để chuẩn bị cho ca ghép. Quy trình này thường được gọi là thu hoạch tế bào gốc (stem cell harvest) hoặc thu hoạch tủy xương (bone marrow harvest). Tế bào gốc có thể tới từ máu hoặc tủy xương của người hiến tặng. Các chuyên gia về ghép tủy căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân để quyết định phương án lựa chọn tốt hơn cho bệnh nhân.

Một loại Dị ghép nữa được thực hiện là ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn. Các bà mẹ có thể lựa chọn tặng lại dây rốn sau khi em bé của họ chào đời. Máu từ những cuống rốn này sẽ được đông lạnh và bảo quản ở ngân hàng máu cuống rốn cho đến khi cần dùng cho ca ghép tủy.

4. Chuẩn bị điều kiện cho ca ghép

Sau khi bệnh nhân hoàn thành các xét nghiệm và các thủ tục trước ca ghép, bệnh nhân bắt đầu 1 quy trình được gọi là quy trình chuẩn bị điều kiện (conditioning process). Trong thời điểm này, bệnh nhân sẽ trải qua hóa trị liệu và có thể có xạ trị để:

  • Phá hủy các tế bào ung thư nếu như bệnh nhân đang được điều trị bệnh lý ác tính.
  • Ức chế hệ miễn dịch.
  • Chuẩn bị tủy xương cho các tế bào gốc mới.

Loại quy trình chuẩn bị điều kiện cho ca ghép sẽ phụ thuộc vào các nhân tố như loại bệnh, tình trạng sức khỏe chung và loại hình của ca ghép tủy. Bệnh nhân có thể cần điều trị cả hóa trị và xạ trị kết hợp hoặc chỉ điều trị bằng một trong những phương án điều trị này như là một phần của quy trình chuẩn bị điều kiện cho ca ghép.

5. Thực hiện ghép tủy

Khi bác sĩ của bạn đánh giá các điều kiện và thấy rằng bạn đã sẵn sàng cho ca ghép tủy thì bạn sẽ được tiến hành ca ghép. Thủ thuật tương tự như truyền máu.

Vào ngày ghép của bạn, được gọi là ngày số 0 (day zero), các tế bào gốc được truyền vào cơ thể bạn thông qua 1 đường truyền (central line). Bạn sẽ không cảm thấy đau và bạn sẽ tỉnh táo trong suốt trá trình truyền tế bào gốc.

Các tế bào gốc được truyền sẽ di chuyển đến tủy xương của bạn, nơi chúng bắt đầu tạo ra các tế bào máu mới. Có thể mất vài tuần để các tế bào máu mới được sản xuất và số lượng máu của bạn sẽ bắt đầu phục hồi.

Tủy xương hoặc tế bào gốc đã được bảo quản đông lạnh trước đó thì cần rã đông. Ngay trước khi thực hiện ca ghép, bạn có thể được điều trị bằng thuốc để giảm tác dụng phụ của chất bảo quản tủy xương/ tế bào gốc có thể gây ra. Bạn cũng có thể sẽ được truyền dịch qua tĩnh mạch trước và sau khi tiến hành ca ghép tủy để giúp loại bỏ chất bảo quản.

Tác dụng phụ của chất bảo quản có thể bao gồm:

• Đau đầu

• Buồn nôn

• Khó thở

• Một hương vị lạ xuất hiện trong miệng của bạn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp tác dụng phụ từ chất bảo quản tủy xương/ tế bào gốc, và đối với một số người, những tác dụng phụ đó là rất ít.

6. Kết quả của ca ghép

Một ca ghép tủy có thể chữa khỏi một số bệnh và với một vài bệnh khác ca ghép sẽ giúp làm thuyên giảm bệnh. Các mục tiêu của 1 ca ghép tủy phụ thuộc vào tình trạng của mỗi cá nhân người bệnh nhưng mục tiêu chung là kiểm soát hoặc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những thách thức phát sinh trong quá trình ghép có thể làm nản lòng người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên ghi nhớ rằng có rất nhiều người đã sống sót cũng phải trải qua một số ngày rất khó khăn trong quá trình ghép nhưng cuối cùng đã ghép thành công và đã trở lại cuộc sống bình thường.

Tháng 1 năm 2018, anh N.T.T 34 tuổi trên đường đi làm về nhà thì phát hiện bị chảy máu mũi. Ngày hôm sau, anh bị sốt và số lần các cơn sốt tăng dần những ngày tiếp theo. Vợ anh đưa anh vào bệnh viện gần nhà để làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Kết quả thử máu cho thấy chỉ số máu của anh không bình thường, bác sĩ chuyển anh tới bệnh viện chuyên khoa về huyết học để làm sinh thiết tủy xương. Sau 2 tuần chờ đợi kết quả, bác sĩ kết luận anh đã mắc phải căn bệnh quái ác: Ung thư bạch cầu cấp. Bác sỹ cho biết cách cứu chữa duy nhất là việc điều trị hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư rồi sau đó anh cần trải qua ca ghép tủy.

Điều không may mắn là anh T. không có anh chị em ruột nên anh không có hy vọng tìm được người cho tủy phù hợp với mình. Chính điều này mà gia đình anh đã quyết định đưa anh qua Singapore nơi có ngân hàng hiến tủy với hy vọng sớm tìm được người hiến tặng phù hợp với anh. Số tiền điều trị hóa chất và ghép tủy ở Việt Nam đã là rất lớn nhưng ở Singapore thì số tiền này còn lớn hơn. Nhưng không thể bó tay trước số phận nghiệt ngã đang giáng xuống đứa con yêu thương duy nhất của mình, bố mẹ anh T. dồn hết số tiền tích cóp được sau bao nhiêu năm làm ăn vất vả để lấy tiền chữa trị cho con, gia đình bên nội, bên ngoại của vợ chồng anh T. cũng cùng chung tay giúp đỡ để anh yên tâm qua Singapore điều trị bệnh.

Sau 25 ngày điều trị nội trú, anh đã vượt qua được cơn bão lớn của cuộc đời là ca ghép tủy thành công tại Bệnh viện Raffles Singapore.

Bác sĩ Yvonne Loh, Chuyên gia Huyết học, Bệnh viện Raffles Singapore, bác sĩ điều trị cho anh T. cho biết: “Anh N.T.T bị ung thư bạch cầu cấp với xét nghiệm tế bào gen 46,XY,t(9;11)(p22;q23).  Đây là loại gen đột biến với khả năng ung thư tái phát cao. Việc ghép tủy là phương pháp điều trị bắt buộc để cứu sống bệnh nhân. Rất may mắn trong quá trình ghép, tôi đã phát hiện ra nguyên nhân gây ra tiểu cầu thấp mặc dù liên tục truyền tiểu cầu là do kháng thể.  Tôi đã kịp thời điều trị loại kháng sinh phù hợp để anh T. có thể hoàn thành quá trình ghép sớm hơn dự định, cắt giảm chi phí tối đa cho gia đình”

Hiện nay, sức khỏe của anh N.T.T đã dần ổn định, theo định kỳ 3 tháng anh quay trở lại Singapore theo dõi thăm khám với bác sĩ Yvonne Loh. Gặp lại gia đình anh T. trong lần tái khám sau hơn một năm rưỡi ghép tủy, vợ anh T. tâm sự: “Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn bác sỹ Yvonne Loh, một chuyên gia huyết học hàng đầu Singapore đã tận tụy cứu chữa cho chồng tôi. Chúng tôi biết ơn đội ngũ y tá ngày đêm chăm sóc anh trong thời gian anh điều trị nội trú tại bệnh viện Raffles. Sự giúp đỡ tận tụy của đội ngũ nhân viên Việt Nam qua những cử chỉ nhỏ nhưng đầy tình thương như mua cho chồng tôi cái mũ khi anh bị rụng tóc do hóa trị. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, các cô cũng giúp chúng tôi kết nối với những tấm lòng hảo tâm tại Singapore để giúp chúng tôi trong hành trình tìm lại sự sống. Chúng tôi thực sự xúc động và biết ơn Bệnh viện Raffles, nơi chúng tôi đã tìm lại được hạnh phúc thiêng liêng này”.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *